hope is a dangerous thing for a woman like me to have but i have it

Lana Del Rey

“hope is a dangerous thing for a woman like me to have but i have it” là bài hát mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc và cá nhân đối với Lana. Ca khúc thể hiện sự giằn vặt nội tâm của Lana và kết quả của cuộc giằn vặt là một người phụ nữ đã học chấp nhận quá khứ, chấp nhận hiện tại, chấp nhận chính mình. Chính nhờ như vậy, Lana trở nên mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đối đầu thử thách của hiện tại và tương lai với một niềm hy vọng mới dù biết rằng mọi thứ có thể sẽ chẳng tốt hơn được bao nhiêu. Đây là bài hát cuối cùng như lời kết luận cho album tuyệt vời của chị và được xem là ca khúc hay nhất cả sự nghiệp của Lana theo playlist xếp hạng của Billboard.

Verse 1

I was reading Slim Aarons and I got to thinking that I thought
Maybe I’d get less stressed if I was tested less like
All of these debutantes
Smiling for miles in pink dresses and high heels on white yachts
But I’m not, baby, I’m not
No, I’m not, that, I’m not

Slim Aarons là một nhiếp ảnh gia do nổi tiếng về những tác phẩm chụp tầng lớp thượng lựu, những người nổi tiếng, giàu có. Từ “debutante” chỉ người phụ nữ từ tầng lớp thượng lưu, đã đến tuổi trưởng thành, đủ tuổi để cưới và thường được giới thiệu vào xã hội một cách trang trọng, có thể là thông qua một buổi dạ hội đặc biệt. Lana cảm thấy những áp lực xã hội đặt lên mình như thể chị là người phụ nữ chuẩn mực, có học vấn, ngao du trong cao sang với những bộ váy hồng trên những chiếc thuyền buồm trắng có phần nặng nề, bất công. Nhưng hai câu cuối nhấn mạnh sự thật con người của chị không phải như vậy. Tính cách cũng như quá khứ mà chị đã trải qua giúp con người chị hình thành theo cách khác và nó hoàn toàn không phù hợp với lối sống kia.

Chorus 1

I’ve been tearing around in my fucking nightgown
24/7 Sylvia Plath

Sylvia Plath là một ngòi bút nổi bật trong thể loại thơ, tiểu thuyết và truyện ngắn. Sylvia được trao giải Pulitzer sau khi qua đời, và được công nhận đã giúp phát triển thể thơ tự thú (confessional peotry). Sylvia sống phần lớn cuộc đời với căn bệnh trầm cảm, trước khi tự tước đoạt mạng sống của mình vào năm 31 tuổi. Lana mượn hình ảnh quậy phá điên loạn trong bộ đầm ngủ và Sylvia Plath để tượng trưng cho nội tâm chị luôn bị giằn vặt, ám ảnh bởi cảm xúc tiêu cực 24/7 đến mức muốn phát điên.

Writing in blood on my walls
‘Cause the ink in my pen don’t work in my notepad

Hình ảnh tự tay viết bằng máu lên tường càng nhấn mạnh sự đấu tranh nội tâm của Lana. Lý do bút, vở để viết dùng không được, mình nghĩ là tượng trưng cho những dòng suy nghĩ, dòng cảm xúc của Lana mà ngay cả việc sáng tác nhạc, viết văn thơ cũng không đủ để bộc lộ, giải sầu nên phải dùng đến máu và bức tường khô.

Don’t ask if I’m happy, you know that I’m not
But at best, I can say I’m not sad
‘Cause hope is a dangerous thing for a woman like me to have
Hope is a dangerous thing for a woman like me to have

Nhưng bốn câu cuối của điệp khúc giúp cho ta hiểu được Lana vẫn đang cố gắng. Lana thừa nhận một cách chân thành nhất về suy nghĩ của mình, dù biết rằng bản thân vẫn đang không hạnh phúc nhưng ít nhất Lana đã có thể chiến đấu lại nỗi buồn. Suy nghĩ này cũng có thể thấy được thông qua sự thay đổi trong các album của chị, từ những album buồn du dương suốt sự nghiệp, đến Lust For Life thì nhạc Lana đã tươi hơn hẳn, mang đầy tình yêu, hy vọng và Normal Fucking Rockwell thì đầy chín chắn, quyết đoán, tự tin. “Hope is a dangerous thing” là câu nói trích từ lời thoại của nhân vật Red từ bộ phim “The Shawshank Redemption”:

Let me tell you something my friend. Hope is a dangerous thing. Hope can drive a man insane. It’s got no use on your side. Better get used to that idea.

Trong bối cảnh của phim, Andy đang kể với mọi người về việc âm nhạc đem lại cho anh ta hy vọng giữa thực tại đầy u ám của nhà tù và Red đã đáp lại bằng những lời như trên. Câu nói liên hệ với hình ảnh điên cuồng đã bộc lộ trước đó cũng như việc âm nhạc là một phần cực kì quan trọng đối với cuộc sống của Lana.

Verse 2

I had 15-year dances
Church basement romances, yeah, I’ve cried

Theo mình hiểu “15-year dances” đang nói về buổi dạ hội “debut” mà Lana đã từng được tham dự lúc 15 tuổi hoặc là buổi dạ hội của trường trung học. “Church basement romances” có thể đang nói về những cuộc tình (có lẽ là lén lút và dĩ nhiên là kết thúc không có hậu) Lana đã có khi còn thuộc dàn hợp xướng ở nhà thờ. Câu hát cho thấy Lana đã từng trải qua tình yêu và buồn tình từ rất sớm.

Spilling my guts with the Bowery Bums
Is the only love I’ve ever known

“Bowery Bums” là cụm từ dùng để chỉ những người nghiện rượu và vô gia cư vào những năm 1940 tới 1960 trên đường Bowery thuộc thành phố New York - thành phố nơi Lana sinh ra. Lana từng nghiện rượu rất nặng vào thời niên thiếu và đã được gửi vào học trường nội trú từ năm 14 tuổi để giải quyết vấn đề ấy. Lana chấp nhận quá khứ một cách mỉa mai rằng rượu bia là tình yêu duy nhất của đời mình mặc dù hiện tại Lana đã hoàn toàn cai nghiện.

Except for the stage, which I also call home, when I’m not
Servin’ up God in a burnt coffee pot for the triad

Nhưng bên cạnh thức uống có cồn, Lana còn có những tình yêu khác, đó chính là âm nhạc và niềm tin của chị. Hình ảnh so sánh sân khấu như ngôi nhà thứ hai thể hiện sự thân thiết của Lana với hình thức nghệ thuật mà chị đang theo đuổi. Lana từng học nội trú ở trường đạo và chị cũng có niềm tin vào Chúa. Mình nghĩ Lana cho rằng niềm tin ấy vẫn đôi khi bị lung lay, vẫn chưa hết lòng, vì vậy đã dùng hình ảnh “burnt coffee pot” (bình cafe bị ố đen) khi “serve God” (thờ phụng).

Hello, it’s the most famous woman you know on the iPad
Calling from beyond the grave, I just wanna say, “Hi, Dad”

Gia đình cũng chính là một trong những tình yêu của Lana. Theo mình hiểu thì câu đó có thể là câu nói đùa giữa hai cha con, có thể mỗi lần Lana gọi điện hỏi thăm thì bố luôn bảo với Lana như vậy. “Beyond The Grave” là một tên cuốn sách về truyền lại gia tài cho con cái và “From Beyond The Grave” là tên một bộ phim kinh dị xưa. Lana có nói rằng chị đã bỏ nhiều “easter eggs” trong bài hát nên mình nghĩ đây có thể là thông điệp riêng chỉ có hai cha con hoặc trong gia đình hiểu với nhau.

Chorus 2

I’ve been tearing up town in my fucking white gown
Like a goddamn near sociopath

Ý nghĩa khá giống điệp khúc một nhưng thay đổi nhỏ về hình ảnh và từ ngữ. “Tearing up town” gợi tả hình ảnh ăn chơi quanh phố còn “tearing around” ở điệp khúc trước thì thiên về quậy phá, nhảy nhót xung quanh nhà. “White gown” thay vì “night gown” có thể liên hệ với “debutante” và “15 year dances” ở trên vì trong những buổi dạ hội này, các cô gái luôn mặc bộ đầm màu trắng. Mình thấy dùng “sociopath” (người mắc bệnh vô cảm) thay vì “Sylvia Plath” đã nhấn mạnh độ điên rồ hơn là độ bi thảm so với điệp khúc trước. Từ những ý nghĩa này mình tưởng tượng điệp khúc hai là hình ảnh cô gái ăn chơi xả láng khắp nơi còn điệp khúc trước mình hình dung ra một cô gái vừa buồn bã vừa bấn loạn trong phòng ngủ và cả hai đều làm như vậy để giúp đối phó với những vấn đề, cảm xúc phải trải qua.

Shaking my ass is the only thing that’s
Got this black narcissist off my back
She couldn’t care less, and I never cared more
So there’s no more to say about that

“Narcissist” chỉ một người ái kỷ, quan trọng bản thân hơn mọi thứ. Lúc đầu nghe đến đoạn “black narcissist” thì mình nghĩ là đang nói về Azealia Banks, người từng có tranh cãi với Lana trên mạng xã hội. Nhưng rõ ràng cách hiểu ấy không phù hợp với chủ đề được thể hiện xuyên suốt cả bài hát. Lana cũng đã lên tiếng về vấn đề này trên Instagram. “Black narcissist” ở đây là hình ảnh tượng trưng cho mặt tối của con người Lana và một trong những cách Lana đối phó với nó chính là “shaking my ass” (tượng trưng cho hoạt động nhảy nhót, lối sống tiệc tùng). Hai dòng tiếp theo cho thấy Lana đã phần nào ngự trị được phiên bản đen tối này hơn, không để cho nó làm bận tâm, ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của mình nữa.

Except hope is a dangerous thing for a woman like me to have
Hope is a dangerous thing for a woman with my past

Nhưng “hope is a dangerous thing”, những vấn đề Lana đã và đang từng gặp phải đều có khả năng tái diễn hoặc trở nên tệ hơn. Mang trong mình quá nhiều hy vọng có thể dẫn đến sự thất vọng thảm hại.

Bridge

There’s a new revolution, a loud evolution that I saw
Born of confusion and quiet collusion of which mostly I’ve known
A modern day woman with a weak constitution, ‘cause I’ve got

Lana bảo rằng được chứng kiến một cuộc cách mạng. Ở đây có thể đang nói đến phong trào nữ quyền trên cả thế giới nhưng bên cạnh đó, nó cũng có thể là cuộc cách mạng nội tâm của Lana. Gốc gác xuất hiện của cuộc cách mạng này theo Lana chính là sự rối loạn (confusion) và sự thông đồng (collusion) mà đã trở nên quá quen thuộc với nghệ sĩ. Theo mình nghĩ ý nghĩa của câu hát là sự ủng hộ của Lana đối với phong trào nữ quyền vì chính bản thân đã trải qua sự hỗn loạn cũng như chịu áp lực từ các thế lực, quy luật ngầm trong xã hội bấy lâu nay. Nhưng bên cạnh đó Lana cũng thành thật về mặt yếu của mình: chị không phải một người mạnh mẽ về cả thể chất lẫn nguyên tắc sống.

Monsters still under my bed that I could never fight off
A gatekeeper carelessly dropping the keys on my nights off

Dù thế nào thì Lana vẫn sẽ phải chung sống với con quái vật dưới gầm giường, hình ảnh tượng trưng cho sự nghiện ngập, căn bệnh trầm cảm của chị. Sẽ có đêm, trong một giây phút yếu ớt, bất cẩn, con quái vật ấy thoát ra được và tiếp tục ám ảnh, giằng xé nội tâm của chị.

Outro

Hope is a dangerous thing for a woman like me to have
But I have it
Yeah, I have it
Yeah, I have it
I have

Nhưng dù có vậy, dù cuộc chiến có thể không bao giờ kết thúc, dù chiến thắng là một ước mơ viễn vong, Lana vẫn khẳng định với chúng ta, khẳng định bằng sự tư tin, sức sống mà chị chưa từng thể hiện trong các tác phẩm của mình, rằng chị luôn có hy vọng.

Vài lời cuối

Bình thường mình nghe bài này mấy khúc cao trào cũng có nổi da gà. Nhưng sau khi tìm hiểu kĩ hơn về lời bài hát thì bây giờ nghe vừa nổi da gà vừa khóc thấm thía.


Đọc thêm