Englishman In New York

Sting

Bài hát ra mắt tháng 10 năm 1987, Englishman In New York cuốn hút người nghe với giai điệu êm nhẹ, saxophone mượt mà cùng lời nhạc thú vị, Sting viết về người bạn của mình, truyền đạt lại cảm giác lạ lẫm, khó hoà nhập khi chuyển đến một nơi ở mới, một nền văn hoá khác. Một người Anh ở một thành phố xô bồ tại Mỹ.

Cụ thể hơn, Sting kể rằng đã viết bài hát cho Quentin Crisp, một nhà văn đồng tính nổi tiếng với tính cách sặc sỡ, và hóm hỉnh. Từ chính xác Sting dùng để miêu tả là “flamboyant”. Trong mắt Sting, Quentin là một người đàn ông vô cùng can đảm khi không ngại làm người đồng tính công khai ngay cả trong thời kì mà việc ấy được xem là nguy hiểm, khi cộng đồng đồng tính chịu nhiều tấn công từ tinh thần lẫn thể chất.

Verse 1

I don’t drink coffee, I’ll take tea my dear

Trong lời một Sting nhập vai vào nhân vật và giới thiệu sơ bộ về sự xa lạ khá phổ biến giữa 2 văn hoá. Người Anh có thông lệ uống trà buổi sáng, còn với người Mỹ, mỗi sáng một ly cà phê Starbuck là thông thường. Nếu mình hiểu không nhầm thì từ “dear” được sử dụng rộng rãi bởi người Anh trong giao tiếp, còn người Mỹ thường chỉ dùng với những người gần gũi, yêu thương.

I like my toast done on one side

Cách nướng bánh mì sandwich một mặt xuất xừ từ cách nướng thời xưa, trước khi có máy nướng hiện đại để dễ dàng chín đều hai mặt. Ngoài ra việc để một bên chưa chín giúp giữ bánh mềm, ăn cùng mứt hay bơ sẽ thấm ngon hơn. Chi tiết này có thể ám chỉ tuổi tác, nhân vật đã quen với kiểu nướng này do đã ăn như vậy cả đời. Cũng có thể ám chỉ nhân vật đến từ nơi ít hiện đại hơn, nơi máy ’toaster’ chưa thịnh hành và mọi người dùng phương pháp cũ. Cũng có thể chi tiết dùng để tạo sự thú vị, nhấn mạnh sự lạc loài, khác biệt của nhân vật. Theo mình đọc nhiều trang trên mạng thì người Anh không ăn toast kiểu này, nó mang tính thiểu số hơn.

And you can hear it in my accent when I talk
I’m an Englishman in New York

Giọng người Anh và người Mỹ có nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là cách phát âm nên rất dễ phân biệt. Nếu so sánh ví von với tiếng Việt thì giọng Anh giống như giọng Bắc, thường phát âm chuẩn hơn, nghe có sự sang trọng hơn. Giọng Mỹ sẽ gọn, dân dã hơn.

Verse 2

See me walking down Fifth Avenue

Fifth Avenue là con đường nổi tiếng ở New York, thường được nhắc đến nhiều trong phim ảnh, âm nhạc như biểu tượng cho sự giàu có do rất nhiều địa điểm nổi tiếng, quán ăn và cửa hàng sang trọng có mặt trên đường này. Ở đây mình nghĩ tác giả chỉ nhắc đến vì nó sự nổi tiếng của nó, và tăng thêm sự ấn tượng cho câu tiếp theo

A walking cane here at my side
I take it everywhere I walk
I’m an Englishman in New York

Hình ảnh tiếp tục làm nổi bật sự khác biệt của nhân vật so với xung quanh. Người Anh có thông lệ mang gậy theo khi di chuyển. Về mặt lịch sử, hành động này nhằm thể hiện sự tao nhã, minh chứng cho người đàn ông tinh tế. Trong thời hiện đại nó thường được thay thế bởi cây dù do thời tiết và có một khuôn mẫu rằng ở Anh ngày nào cũng mưa.

Chorus

I’m an alien, I’m a legal alien
I’m an Englishman in New York
I’m an alien, I’m a legal alien
I’m an Englishman in New York

Nhân vật cảm thấy mình như một người ngoài hành tinh, kết hợp với ngữ cảnh viết về Quentin, có thể cảm giác này không chỉ vì ông là người Anh mà còn vì ông là người đồng tính. “Legal alien” - người ngoài hành tinh hợp pháp - là phép so sánh khá thú vị vì mặc dù trên ông có đầy đủ giấy tờ để sinh sống làm việc tại Mỹ nhưng thực sự ông như một người hoàn toàn xa lạ.

Verse 3

If “manners maketh man” as someone said
Then he’s the hero of the day

“Manners maketh man” là một câu thành ngữ khá nổi và cũng rất Anh Quốc dùng để nhấn mạnh “manners”, phép lịch sự, sự tử tế trong tác phong, cách đối xử nhau, là thứ phân biệt người và thú, là thứ phân biệt người tốt với xấu. Nguồn gốc của câu nói không rõ và xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ 14, trong sách của hiệu trường William Horman trường cao đẳng Winchester. Trong bài này, mình hiểu ý tác giả là bản thân không rõ câu đó từ đâu, nhưng hoàn toàn đồng tình với câu nói qua cách nói “hero of the day”.

It takes a man to suffer ignorance and smile
Be yourself, no matter what they say

Quentin tự tin thể hiện mình gay một cách công khai bất kể sự chỉ trích của xã hội. Đó là một điều đòi hỏi sự can đảm (“takes a man”) mà tác giả rất ngưỡng mộ.

Bridge

Modesty, propriety, can lead to notoriety
You could end up as the only one
Gentleness, sobriety are rare in this society
At night a candle’s brighter than the sun

Bốn câu hát trong phần bridge tiếp ý verse 3, truyền tải thêm về sự văn minh qua những từ “modesty” - khiêm tốn, “propriety” - sự chuẩn mực, “sobriety” - sự đứng đắn, tỉnh tảo, “gentleness” - sự mềm , bình tĩnh là những tính ngày càng hiếm hoi, đến mức nó có thể làm bạn trở nên “nổi tiếng”. Từ “notoriety” nghĩa là “khét tiếng”, nổi tiếng vì một tính xấu. Tác giả so sánh như thể có những tính chất này là một điều xấu trong xã hội xô bô, thô lỗ, lớn tiếng như New York thường được gán mác.

Breakdown

Phối âm đoạn bridge được xây dựng lên cao trào, sau đó là một đoạn solo saxophone và một đoạn trống to và rất khác năng lượng của bài hát từ đầu đến đây. Trong âm nhạc, đoạn mà các nhạc cụ lần lượt có những màn solo sẽ gọi là phần “breakdown” của bài hát. Sting từng giải thích về ca khúc này trong một buổi phòng vấn tháng 11 năm 1994:

“I tried to capture the multicultural elements of the music in New York. You hear jazz on one block and rock on the next, then someone comes round the corner with hip-hop blaring out of their car. That’s why those hip-hop drums burst in for a few bars.”

Có vẻ lí do lựa chọn âm thanh như vậy là vì tác giả muốn tái hiện lại không gian New York. Nơi ấy sống động và đa dạng với nhiều thể loại từ jazz, rock đến hip hop.

Verse 4

Takes more than combat gear to make a man
Takes more than a license for a gun

Mỹ quá nổi tiêng về việc sở hữu súng cùng với những suy nghĩ tiêu cực về việc “làm đàn ông” và Sting đang chọc vào điểm đó. Bạo lực không phải minh chứng cho sự mạnh mẽ của đàn ông. Sử dụng quyền lợi, hay xa hơn là quyền lực (vũ khí) khả năng của mình một cách ý thức, trách nhiệm, không phải là điều ai cũng làm được.

Confront your enemies, avoid them when you can
A gentleman will walk but never run

Sting một lần nữa ca ngợi dũng khí của Quentin. Người đồng tính bị kì thị nặng nề, Quentin đôi khi bị hành hung, tuy nhiên ông ấy vẫn tự tin thể hiện mình, không lùi bước, không từ bỏ con người thật. Ông chỉ “walk past” - bước tiếp chứ không hề “run away” - chạy trốn khỏi kẻ thù.

Vài lời cuối

Mình biết và từng nghe bài hát này đã rất lâu, được một người bạn giới thiệu và bảo rằng mình có thể tìm hiểu nghĩa thử của bài này. Lúc ấy mình nghe, đọc lời, thấy cũng hay hay nhưng thật ra không để tâm nhiều, nghe không lâu sau thì quên hết. Tình cờ lần này nhớ lại, nghe lại, thử google về bài hát, đọc kĩ hơn, mới phát hiện ra ý nghĩa hay ho thế. Mình có kể thử cho một bạn khác và bạn ấy cũng như mình, cũng nghe lần đầu, dù thấy hay nhưng cứ tưởng lời bài hát tuy có truyền đạt thông điệp nhưng không gì quá sâu sắc. Càng nghe mình càng mê những chi tiết nhỏ của phối âm, những đoạn saxophone gia diết, thú vị, trống thay đổi từng đoạn tạo thêm màu sắc. Bài này như một viên đá quý ẩn, tuy cũng khá nổi nhưng bề sâu mà không phải ai cũng biết của lời ca nâng tầm giá trị ca khúc lên so với việc chỉ là một giai điệu êm tai .


Đọc thêm